Tiểu sử Trương_Thị_Thận

Xuất thân

Thụy tần Trương Thị Thận nguyên quán ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. Cha của bà Thận là ông Trương Văn Minh, được truy tặng làm Vệ úy Minh Đức hầu, mẹ là phu nhân Vũ Thị Tông (hoặc Tôn). Bà sinh vào đúng ngày mùng một Tết Nguyên Đán năm Đinh Sửu (1817)[1].

Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), bà Thận nhập phủ làm thiếp cho hoàng trưởng tử Trường Khánh công Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này)[1].

Sách phong Tần vị

Năm 1841, Trường Khánh công Miên Tông đăng cơ, tức vua Thiệu Trị. Bà Trương Thị Thận cùng các bà Phủ thiếp khác của vua đều được gọi chung là Cung tần (宮嬪), chờ mãn tang vua Minh Mạng mới định thứ bậc.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), bà Thận được sách phong làm Tứ giai Huy tần (四階徽嬪)[1]. Hàng Tứ giai khi đó bao gồm những phong hiệu từ cao đến thấp như sau: Huy tần (徽嬪), Ý tần (懿嬪), Nhu tần (柔嬪). Bà Nguyễn Thị Huyên giữ chức Ý tần, còn chức Nhu tần thì do bà Nguyễn Thị Yên tại vị.

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), Huy tần Trương thị được tấn làm Tam giai Thụy tần (三階瑞嬪)[1].

Tôn phong Hoàng thái phi

Năm Tự Đức thứ 36 (1883), vua Tự Đức băng hà, vua Dục Đức mới lên ngôi 3 ngày đã bị hai quyền thần là Nguyễn Văn TườngTôn Thất Thuyết phế truất. Con trai của bà Thụy tần Trương thị là Lãng Quốc công Hồng Dật được đưa lên làm Hoàng đế, tức vua Hiệp Hòa.

Tháng 7 (âm lịch) năm đó, bà Thụy tần được tôn phong làm Hoàng thái phi, ngày sinh nhật của bà được gọi là Trường Xuân tiết[2]. Tháng 9 (âm lịch), vua Hiệp Hòa cho đón Thái phi Trương thị vào ở cung Khôn Thái[3]. Vua sai người dâng lên cho mẹ 50 lạng vàng; 100 đĩnh bạc (mỗi đĩnh, còn gọi là thoi, nặng 10 lạng); 100 tấm gấm lụa màu hàng Nam, hàng Bắc các thứ; lụa màu vải màu cùng lụa thổ 300 tấm; tiền đồng 3000 quan; tiền kẽm 2000 quan[3].

Vua giao cho bộ Hộbộ Lễ bàn định việc chi tiền gạo cho Hoàng thái phi và Khiêm Hoàng hậu Võ thị (chánh cung của vua Tự Đức, tức chị dâu của vua Hiệp Hòa) theo thứ bậc khác nhau. Hai bộ bàn xong, theo lệ định, Tết Nguyên Đán dâng Hoàng thái phi 6 lạng vàng, 6000 quan tiền, 1000 phương gạo; dâng Khiêm Hoàng hậu 4 lạng vàng, 4000 quan tiền, 800 phương gạo[4].

Tuy nhiên, tháng 10 (âm lịch) năm đó, vua Hiệp Hòa bị hai quyền thần là Nguyễn Văn TườngTôn Thất Thuyết phế truất và bức tử. Hoàng thái phi Trương thị cũng bị giáng trở lại làm Thụy tần, sau này Đại Nam liệt truyện chép lại phong hiệu của bà thành Đoan tần (端嬪).

Ngày 1 tháng 12 (âm lịch) năm Mậu Tí (năm Dương lịch là 1889), dưới triều vua Đồng Khánh, Đoan tần Trương thị qua đời, thọ 72 tuổi[1]. Bà được táng tại làng Dương Xuân Hạ, huyện Hương Thủy (cũ), tỉnh Thừa Thiên. Năm 1917, dưới triều vua Khải Định, tẩm mộ của bà Thụy tần được cải táng về thôn Long Khê, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế[1].